Lòng nhân ái, khoan dung của người chiến sỹ cách mạng
Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng chí Hoàng Quốc Việt, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, luôn giàu lòng nhân ái, độ lượng, khoan dung…
|
|
Ông Nguyễn Túc, nguyên Thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt, kể: Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quốc lộ 5 là con đường huyết mạch nối cảng Hải Phòng với các địa phương ở miền Bắc nhưng đường rất hẹp, khó đi. Đoàn Giao thông vận tải số 10 làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa ở cảng Hải Phòng thường xuyên có xe ô tô vận hành trên quốc lộ 5. Do nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, Đoàn 10 được nhiều ưu đãi và ưu tiên, nên một số lái xe Đoàn 10 thường có thái độ công thần, không nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, bị nhân dân kêu ca, phàn nàn và phản ảnh đến các cơ quan trung ương. Khi nghe được dư luận bất bình của nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt với cương vị là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vừa là Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, quyết định tổ chức đoàn cán bộ gồm đại diện một số cơ quan trung ương đi kiểm tra tình hình giao thông vận tải trên quốc lộ 5. Xe của đoàn qua cầu Phú Lương (Hải Dương) thì bị tắc. Xe công an dẫn đường phải vất vả lắm mới dẹp được đường cho xe đoàn tiếp cận chiếc xe gây ùn tắc. Đến nơi mới biết đó là một xe ô tô của Đoàn 10, một “yêng hùng Đường 5”. Người lái xe tiếp tục nghênh ngang chặn đường, không cho xe đi sau vượt lên, xe chở đồng chí Hoàng Quốc Việt và xe của đoàn ùn lại gần chục cây số. Mãi gần đến Quán Toan (Hải Phòng), xe cảnh sát dẫn đoàn mới vượt lên, ra hiệu lệnh dừng chiếc xe của Đoàn 10. Khi xuống xe, người lái xe cầm theo một ống tuýp sắt tấn công người ra lệnh dừng xe. Không chấp nhận thói côn đồ, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo cảnh sát tạm giữ người lái xe, giao cho công an địa phương xử lý.
Một tuần sau, vào một buổi sáng, ô tô đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa tới cổng cơ quan thì một cô gái tuổi ngoài 20, gày gò, ốm yếu, bụng đang mang bầu, tay bế đứa con chừng hơn một tuổi, chặn xe lại, khóc lóc, van xin. Đồng chí Hoàng Quốc Việt xuống xe, hỏi han thân tình, thì ra đây là vợ anh lái xe của Đoàn 10, đến xin tha cho chồng. Suốt mấy ngày liền, đồng chí Hoàng Quốc Việt đăm chiêu suy nghĩ, mất ngủ. Giận người lái xe, nhưng thương cháu nhỏ, thương người vợ đang mang bầu, ốm yếu, tiều tụy. Cuối cùng, đồng chí Hoàng Quốc Việt nói với thư ký: “Anh xuống Hải Phòng gặp Giám đốc Công an nói lại ý tôi là tha cho cậu lái xe đó. Giam hơn một tuần như vậy cũng đủ để cậu ta thấm thía. Anh hãy gặp trực tiếp và nói cho cậu lái xe ấy biết: Lẽ ra còn bị giam lâu hơn, nhưng thương vợ con nheo nhóc, nên được tha trước thời hạn”.
Một chuyện khác, vào đầu Xuân năm 1970, ở Tây Bắc bọn phản động kích động đồng bào Mông chạy sang Bắc Lào. Để chống lại âm mưu của địch, thực hiện an dân, Trung ương cử đồng chí Hoàng Quốc Việt - người có uy tín lớn trong đồng bào các dân tộc lên cùng lãnh đạo các tỉnh và các già làng, trưởng bản gặp gỡ, giải thích cho dân rõ ý đồ thâm độc của kẻ thù để người dân không tin và không theo chúng. Theo tục lệ của người dân địa phương, đón lãnh đạo Trung ương lên thăm, già làng, trưởng bản quyết định mổ một con trâu để tế Giàng và mời khách quý thử món tiết canh trâu. Lo cho sức khỏe của thủ trưởng, bác sĩ riêng đề nghị đồng chí Hoàng Quốc Việt không nên ăn, ông bảo: “Tôi cũng là dân, dân ăn được thì mình cũng ăn được, không ăn thì còn “dân vận” cái gì”. Tối hôm đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt hội ý với các cán bộ cùng đi, căn dặn: “Để đạt được yêu cầu “đi dân nhớ, ở dân thương”, thời kỳ kháng chiến chống Pháp bọn mình thường thực hiện ba cùng là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Tình hình bây giờ có khác song các cậu phải rèn luyện, phấn đấu để dân ăn gì, uống gì thì mình ăn được thứ đó, dân sống sao, mình sống vậy”. Lời khuyên chân tình ấy đã trở thành bài học thực tế, nhắc nhở anh em cán bộ giúp việc ông rèn luyện cho mình phong cách ứng xử với người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, phải tôn trọng phong tục, tập quán của bà con, sống chan hòa, gần gũi với đồng bào.
Năm 1976, chị Hồng là Huyện ủy viên kiêm Bí thư Đảng ủy xã TN thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) bị chồng đánh, gây thương tích, đầu quấn băng đến tận nhà đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhờ can thiệp, giúp đỡ. Hiểu rõ nguyên nhân bị chồng hành hạ và có ý định ruồng bỏ, đồng chí Hoàng Quốc Việt trực tiếp đưa chị xuống Bệnh viện Việt Đức nhờ giáo sư Tôn Thất Tùng chữa trị và xác định tỷ lệ thương tật. Ngay ngày hôm sau, đồng chí Hoàng Quốc Việt lên gặp Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình yêu cầu giải quyết sớm việc người chồng đánh vợ, nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình họ sau này. Hai năm sau (1978), đôi vợ chồng ấy bế đứa con trai 6 tháng tuổi nhờ người thư ký đưa đến chào bác Hoàng Quốc Việt và xin cho cháu được làm cháu nội của bác… Hai vợ chồng chị đã coi đồng chí Hoàng Quốc Việt là ân nhân của gia đình. Sau khi ông mất, vợ chồng chị đưa di ảnh ông lên bàn thờ gia đình, thường xuyên hương khói./.
Nguồn: ĐCSVN/ Hồng Minh
- Kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống Công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020): Phát huy truyền thống, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận trong thời kỳ mới
- Giá trị thời đại Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Vị trí, vai trò của người cao tuổi trong tư tưởng Hồ Chí Minh
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”
-
Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016)
Học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ để là người cầm bút chân chính
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về Người cao tuổi Việt Nam
- Công tác dân vận luôn là một nhiệm vụ quan trọng
- Ông Mai Đính học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh